Nổi mề đay là gì? Các triệu chứng thường gặp
Nổi mề đay là tình trạng nổi nhiều nốt mẩn đỏ hoặc các mảng da đỏ một cách đột ngột. Hiện tượng liên quan đến phản ứng của cơ thể với một số chất gây dị ứng hoặc xuất hiện mà không rõ nguyên nhân.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết bệnh nổi mề đay qua các triệu chứng sau:
- Dấu hiệu nổi mẩn đỏ ở da: Khi bị mề đay, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các nốt mẩn đỏ, phát ban với hình dạng, kích thước khác nhau nổi lên, phù đỏ cả vùng da do mạch máu bị giãn. Các vết sẩn phù này có thể tập trung tại một vị trí hay xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
- Triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu:Ở vùng da bị nổi mẩn đỏ, mề đay sẽ gây khó chịu cho người bệnh bởi chúng rất ngứa, kèm theo đó là hiện tượng nóng rát. Cơn ngứa ngáy có xu hướng tăng mạnh vào chiều tối. Nếu càng gãi nhiều, người bệnh sẽ càng cảm thấy ngứa, đồng thời làm da bị trầy xước, chảy máu và có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
- Các biểu hiện khác:Trong trường hợp nổi mề đay nặng, người bệnh còn có thể gặp phải các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, nhiễm trùng, nổi mụn nước,… điều này cảnh báo bệnh đã diễn biến xấu hơn.
Một số trường hợp, bệnh nổi mề đay mẩn ngứa có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu thấy các cơn ngứa ngáy khó chịu cùng những dấu hiệu kể trên kéo dài quá 2 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khóa để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân nổi mề đay mẩn ngứa
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nổi mề đay, mẩn ngứa, dưới đây là một số nguyên nhân chính:
Do dị ứng
Dị ứng là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị mắc bệnh nổi mề đay, nguyên nhân dị ứng có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như:
- Nổi mề đay do biến chứng của thuốc: Ở một số người có đặc điểm dị ứng với các loại thuốc kháng sinh, aspirin,… hay dị ứng sau khi tiêm chủng vắc xin.
- Nguyên nhân nổi mề đay ở người lớn do các thành phần hóa chất trong nước hoa, mỹ phẩm: Trong các loại mỹ phẩm, nước hoa,… có chứa một số thành phần làm kích ứng da, dễ gây dị ứng cho người sử dụng, đặc biệt là với những sản phẩm hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Thực phẩm gây dị ứng: Một số người có cơ địa dị ứng với hải sản như tôm, cua, ghẹ,… hay các loại thức ăn khác. Khi ăn các loại thực phẩm này sẽ tác động đến cơ thể và làm kích ứng nổi mề đay.
- Do tiếp xúc với lông của động vật: Lông chó, lông mèo,… cũng là nguyên nhân gây dị ứng với nhiều đối tượng.
Nguyên nhân nổi mề đay do thời tiết
Nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổi mề đay, mẩn ngứa ở cơ thể. Nếu nhiệt độ và độ ẩm quá cao sẽ khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi, kết hợp với bụi bẩn làm bít tắc lỗ chân lông gây nổi mẩn ngứa. Ngược lại, khi nhiệt độ và độ ẩm quá thấp sẽ làm suy giảm hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển.
Nổi mề đay do côn trùng cắn
Với những người có cơ địa nhạy cảm, khi tiếp xúc với nọc độc của côn trùng hoặc bị côn trùng cắn có thể làm sưng tấy, nổi mề đay, ngứa ngáy,…
Do yếu tố di truyền
Theo nghiên cứu, nếu cha hoặc mẹ là người có cơ địa bị bệnh mề đay thường xuyên thì con cái cũng có khả năng bị bệnh với nguy cơ cao.
Bệnh nổi mề đay có nguy hiểm không?
Nổi mề đay là một bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng khác nhau, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ sau sinh. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng và không mang tính lây nhiễm nhưng nổi mề đay, mẩn ngứa có khả năng tái phát rất cao và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh kéo dài liên tục mà không được chữa trị đúng cách.
Trong một số trường hợp, nổi mề đay còn có thể đi kèm sốc phản vệ. Sốc phản vệ là tình trạng gây mất ý thức, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi thấy các triệu chứng như: Nôn, buồn nôn; sưng niêm mạc lưỡi, môi, cổ họng gây khó thở; rối loạn nhịp tim; chóng mặt, ngất xỉu; người lạnh và đổ nhiều mồ hôi,…
Các phương pháp điều trị nổi mề đay hiện nay
Một số trường hợp nổi mề đay có thể tự biến mất sau vài tiếng hoặc vài ngày. Tuy nhiên, trên thực tế có đến hơn 70% người bệnh bị tái phát mề đay thường xuyên và trở thành mãn tính. Do đó, để điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế tình trạng tái phát bệnh, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị phổ biến sau:
Áp dụng cách chữa trị nổi mề đay tại nhà bằng mẹo dân gian
Từ xưa đến nay, ông bà ta đã áp dụng mẹo để chữa một số bệnh ngoài da như mề đay, mẩn ngứa. Nếu bạn mắc bệnh mề đay ở thể nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tham khảo để áp dụng.
Mẹo chữa nổi mề đay từ lá hẹ
Trong Đông y, lá hẹ có vị cay, ngọt, tính ấm có công dụng ôn trung, điều hòa tạng phủ, tán ứ huyết,… Ngoài ra, trong lá hẹ còn chứa các hoạt chất kháng sinh mạnh như sunfit, allicin, odorin,… Nhờ vậy, lá hẹ có tác dụng tốt trong việc điều trị các chứng bệnh ngoài da như nổi mẩn đỏ, mề đay.
Cách sử dụng:
- Lá hẹ đem rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn nhỏ khoảng 1cm
- Sau đó bỏ lá hẹ vào nồi nước, đun sôi
- Chắt lấy 1 nửa nước, để nguội rồi uống. Phần còn lại dùng gạc thấm hỗn hợp nước thoa lên vùng da bị mẩn ngứa.
- Áp dụng liên tục từ 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả.
Giảm triệu chứng mề đay, mẩn ngứa bằng lá kinh giới
Tình dầu có trong lá kinh giới có tác dụng giảm phong, làm ấm nên có công dụng rất tốt với người bị nổi mề đay.
Cách sử dụng:
- Lấy phần ngọn kinh giới đã trổ hoa, đem sao nóng
- Sau đó bọc vào mảnh vải và chà nhẹ lên vùng da bị mề đay
- Thực hiện nhiều lần cho đến khi các triệu chứng giảm dần
Dùng muối trị mề đay mẩn ngứa tại nhà đơn giản
Muối có đặc tính sát trùng cao và làm dịu da, nhờ vậy có tác dụng cải thiện ngứa ngáy và giảm số lượng mẩn đỏ do mề đay gây ra.
Cách sử dụng:
- Đổ 2 – 3 thìa cafe muối vào nước tắm để tắm hàng ngày để sát trùng và giảm ngứa
- Có thể kết hợp muối với một số loại thảo dược như chè xanh, lá khế,… để tăng hiệu quả điều trị
Sử dụng thuốc trị nổi mề đay mẩn ngứa
Đối với trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc để điều trị mề đay, mẩn ngứa giúp mang lại hiệu quả cao và nhanh chóng.
Điều trị mề đay bằng thuốc Tây y
Nổi mề đay thường xuất hiện khi cơ thể sản sinh quá nhiều Histamin. Do đó, Tây y sử dụng các loại thuốc kháng Histamin để kiểm soát và điều trị các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định một số thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch, giảm tình trạng ngứa ngáy.
Một số loại thuốc Tây được sử dụng trong điều trị nổi mề đay, mẩn ngứa bao gồm:
- Nhóm thuốc kháng Histamin:Fexofenadine, Desloratadine, Loratadin, Cetirizine,… là các loại thuốc thuộc nhóm kháng Histamin có tác dụng ngăn ngừa, giải phóng Histamin và cải thiện các triệu chứng nổi mề đay. Tuy nhiên, thuốc có thể khiến người bệnh buồn ngủ và gây ra một số tác dụng phụ khác khi sử dụng.
- Thuốc Corticosteroid:Thuốc có tác dụng hỗ trợ giảm sưng đỏ và ngứa da. Thuốc được chỉ định trong thời gian ngắn và chỉ sử dụng cho các trường hợp nghiêm trọng như phù mạch. Nếu lạm dụng Corticosteroid đường uống hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể gây một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Kháng thể đơn dòng Omalizumab:Là loại thuốc thường được chỉ định trong trường hợp mề đay mãn tính và dai dẳng. Được bào chế dưới dạng thuốc tiêm mỗi tháng/lần.
- Thuốc bôi Doxepin:Thuốc được dùng dưới dạng kem bôi ngoài da có tác dụng giảm ngứa và kích ứng da. Tuy nhiên, thuốc có thể gây chóng mặt và buồn ngủ cho người sử dụng.
- Thuốc kháng Leukotriene:Thường được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng thuốc kháng Histamin. Các loại phổ biến gồm Zafirlukast và Montelukast.
Lưu ý: Tất cả các loại thuốc Tây y trên đều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh chỉ dùng các loại thuốc chữa nổi mề đay đó khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ hướng dẫn sử dụng.